Ngáy khi ngủ là hiện tượng thường gặp ở nam giới nhiều hơn nữ. Âm thanh phát ra khi ngáy ngủ gây ảnh hưởng đến người cùng ngủ và một số trường hợp đó còn là biểu hiện của bệnh lý, gọi là Hội chứng ngừng thở khi ngủ.
Theo các cuộc điều tra tại Mỹ và châu Âu, có khoảng 24% nam và 14% nữ tự biết mình ngáy khi ngủ. Tuy nhiên khi được hỏi, có đến 71% bà vợ và 51% ông chồng khẳng định bạn đời của mình ngáy khi ngủ. Một số người có tiếng ngáy vượt quá 65 dB, vượt quá ngưỡng cho phép trong môi trường lao động an toàn. Về lâu dài, ngáy có thể dẫn đến giảm khoái cảm tình dục, rối loạn kinh nguyệt ở phụ nữ và làm tăng huyết áp, gây biến chứng đột quỵ, nhồi máu cơ tim...
Ngủ ngáy thường gặp ở những đối tượng sau đây:
- Uống rượu trước khi ngủ hoặc uống các thuốc gây ngủ.
- Người có cằm nhỏ, hầu họng hẹp. Người có vòm khẩu cái mềm và đáy lưỡi to.
- Người béo phì, ở tư thế nằm, bụng mỡ sẽ tỳ vào cơ hoành gây trở ngại hô hấp, mỡ của vùng cổ tỳ vào các cơ hầu họng làm vùng này dễ bị hẹp hơn khi ngủ.
- Người có thói quen thở bằng miệng.
- Hút thuốc lá làm cho vùng hầu họng thường xuyên bị viêm nhiễm, tạo các mô hạt, gây hẹp hầu họng.
- Ăn no trước khi đi ngủ.
- Ngủ nằm ngửa.
- Ngáy mang tính di truyền.
Hội chứng ngưng thở khi ngủ
Khi thức, các cơ của vùng hầu họng luôn giữ cho hầu họng mở ra. Vì vậy, lúc thở, khí từ mũi qua miệng vào phổi dễ dàng. Khi ngủ, các cơ này giãn ra, làm cho vùng hầu họng chật hẹp. Lúc thở, khí sẽ gặp các trở lực và tạo ra luồng xoáy, từ đó làm rung khẩu cái mềm và đáy lưỡi tạo ra tiếng ngáy.
Ngủ càng sâu thì đường thở càng hẹp, tiếng ngáy càng to và lưu lượng khí vào phổi càng thấp, vì vậy lượng ôxy trong máu cũng xuống thấp. Đến một giới hạn nhất định, người bệnh sẽ không thở được do đường thở đã quá hẹp.
Thông thường thì người ngủ cùng có thể để ý thấy bạn ngáy khi ngủ từ nhỏ đến to, rồi đột ngột ngưng ngáy một lúc. Sau đó là một nhịp thở ra dài để lấy lại tình trạng hô hấp bình thường, rồi lại ngáy tiếp. Hội chứng ngưng thở khi ngủ được xác định khi có những cơn ngừng thở quá 10 giây và có hơn 20 cơn trong một giờ. Những cơn ngừng thở này làm giảm mạnh lượng ôxy trong máu. Não bộ bị đánh thức dậy để điều khiển lại hệ hô hấp. Do đó, người bệnh không thể ngủ sâu. Lúc này họ có thể cần sự trợ giúp của một máy thở với áp lực dương liên tục trong khi ngủ.
>>> Xem thêm: Máy đo huyết áp giá bao nhiêu
Tác hại của ngáy khi ngủ
Do người bệnh không thể ngủ sâu, giấc ngủ không đạt chất lượng, người bệnh luôn cảm thấy mệt mỏi, uể oải hay buồn ngủ. Họ có thể ngủ bất cứ lúc nào, bất cứ ở đâu, thậm chí cả khi đang làm việc hay lái xe. Vì vậy, họ dễ bị tai nạn lao động hay tai nạn giao thông hơn. Ngoài ra mất ngủ còn làm giảm khả năng tập trung, làm giảm thành tích học tập và hiệu suất lao động.
Ngáy đặc biệt nguy hiểm đối với người mắc bệnh tim mạch. Do ôxy trong máu giảm nên những người này hay bị nhồi máu cơ tim hoặc đột quỵ hơn.
Tổng hợp (Theo NLĐ)